Một số chi tiết đáng chú ý Tiếng_trống_Mê_Linh

Trong nhiều tư liệu đều ghi tên đồng soạn giả là Việt Dung - Vĩnh Điền. Trong bản phim lưu trữ ghi chi tiết là "Nhóm kịch tác gia Thanh Minh sáng tác theo kịch bản Trưng Vương của Việt Dung". Theo soạn giả Nguyễn Phương, ngoài phần người chuyển thể chính do soạn giả Vĩnh Điền viết, các lớp diễn hài của Chương Hầu (do Bảo Quốc đóng) và Tào Uyên (Hoàng Giang đóng) là do Nguyễn Phương viết thêm, còn những đoạn chia tay và tế chồng của Trưng Trắc là do Viễn Châu viết. Đây chính là phần khác biệt lớn nhất so với kịch bản gốc. Do bấy giờ, Nguyễn Phương và Viễn Châu đều bị cấm hành nghề nên mỗi người chỉ được thưởng 400 đồng và không được ghi tên là đồng soạn giả chuyển thể với Vĩnh Điền.[2]

Một trong những đoạn diễn ca nổi tiếng nhất trong vở được nhiều người biết đến với tên gọi "Mê Linh biệt khúc" được cho là của soạn giả Vĩnh Điền. Xuất xứ của điệu hát là từ một bài dân ca Phúc Kiến có tên là "Alysan" hay "Cao Xang Xim" (Cao sơn thanh - Núi cao xanh), được dùng nhiều trong các tuồng cải lương Hồ Quảng. Khác với giai điệu nguyên bản có tiết tấu nhanh, vui tươi, soạn giả Vĩnh Điền đã dùng bài này với tông nhạc da diết bịn rịn hơn hẳn bài gốc, rồi cảm tác từ lớp diễn đó mà đặt thêm một cái tên nữa là "Mê Linh biệt khúc". Một số thông tin khác, có lẽ căn cứ vào thông tin của soạn giả Nguyễn Phương, thì cho rằng bài "Mê Linh biệt khúc" là tác phẩm của soạn giả Viễn Châu.